Trong bài viết này, tienganhluat sẽ đề cập sự khác biệt giữa tiếng anh pháp lý (TAPL) và tiếng anh phổ thông để các bạn có góc nhìn khái quan hơn về hai khái niệm này. Ở mức độ cơ bản, chúng ta sẽ phân loại các vấn đề này chủ yếu trên hai góc độ: Ngữ pháp và từ vựng.
Xét về mặt ngữ pháp, cấu trúc các câu trong TAPL khá phức tạp và dài dòng. Độ dài trung bình của một câu trong hợp đồng có thể lên đến hơn ba, bốn dòng và lồng trong đó là các cấu trúc ngữ pháp khác nhau, đặc biệt là việc sử dụng nhiều mệnh đề quan hệ (relative clause) và phần bổ nghĩa. Hãy xem ví dụ sau:
“A party affected by force majeure shall not be deemed to be in breach of this contract, or otherwise be liable to the other, by reason of any delay in performance, or the non-performance, of any of its obligations under this contract to the extent that the delay or non-performance is due to any force majeure of which it has notified the other party in accordance with Article 11.3.”
Như các bạn đã thấy, nếu chỉ đọc lướt qua một hoặc hai lần chúng ta sẽ khó có thể hiểu hết toàn bộ nội dung của điều khoản trên trừ khi xác định được chủ ngữ chính, động từ và các phần khác trong câu (ở bài viết khác tienganhluat sẽ gợi ý bạn cách để đọc và hiểu những câu dạng này nhanh hơn).
Về từ vựng, các bạn có thể dễ dàng thấy một số từ không phải là tiếng Anh (force majeure) hoặc các từ mang tính chuyên ngành (obligation). Mình sẽ phân loại các từ vựng này thành 03 loại: Thuật ngữ chuyên ngành, thuật ngữ nội bộ và thuật ngữ đa nghĩa. Cái thứ nhất có lẽ mình không cần phải đề cập nhiều vì đây là những từ hay thường được sử dụng trong một lĩnh vực đặc thù (ví dụ như void -> vô hiệu – được sử dụng trong hợp đồng). Thứ hai là từ lóng, những từ các luật sư hay dùng khi giao tiếp với nhau. Cuối cùng, thuật ngữ đa nghĩa là những từ nhìn quen thuộc nhưng lại mang nghĩa khác khi sử dụng. “Construction” theo các bạn biết có thể là công trình hoặc việc xây dựng, nhưng trong TAPL nó lại mang nghĩa “giải thích”. Hay như “accept” thường mang nghĩa đồng ý nhưng trong TAPL nghĩa lại là “thụ lý”.
Một khó khăn khác cá nhân mình thấy nằm ở kĩ năng ngoại ngữ. Chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi hệ thống giáo dục nên chỉ tập trung vào hai kĩ năng: Nghe và đọc (từ việc thi Đại học cho đến thi TOEIC để ra trường). Tuy nhiên khi đi làm, hai kĩ năng chúng ta dùng nhiều nhất lại là nói (tư vấn khách hàng, trao đổi công việc) và viết (thư tư vấn, email, hợp đồng). Do vậy, sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta mất cơ hội thăng tiến chỉ vì cản trở ngoại ngữ.
Ngoài ra, việc học TAPL cũng cần nền tảng tiếng Anh cơ bản, nếu không người học sẽ bị ngợp và dễ mất phương hướng. Do vậy, xây dựng những viên gạch “tiếng Anh” đầu tiên để có những kiến thức và kĩ năng ngoại ngữ TAPL đáp ứng được yêu cầu công việc là rất cần thiết. Tienganhluat hy vọng bài viết này hữu ích với các bạn. Hy vọng sẽ được gặp các bạn sớm nhé.
Các bạn có thể liên hệ trực tiếp với Tienganhluat nếu có bất kì câu hỏi nào.
Cám ơn mọi người.
Một số tham khảo thêm:
Khóa học tiếng Anh pháp lý cơ bản.